Science and Technology Development Journal: Health Sciences

An official journal of School of Medicine, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original research

HTML

2110

Total

801

Share

Prevalence of anxiety disorders and associated factors among students of School of Medicine – Vietnam National University Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Objective: The research was conducted with the purpose of estimating the prevalence of Anxiety Disorder and associated factors among students of School of Medicine – Vietnam National University Ho Chi Minh City.


Methods: A cross-sectional study was carried out on 906 students of the School of Medicine - Vietnam National University Ho Chi Minh City from 9th to 30th September 2021. Full sampling technique, collecting the data by using self-completed questionnaires through Google Form. This study used the Zung Self-Rating Anxiety Scale (SAS) to assess anxiety disorders.


Results: The study showed that the prevalence of anxiety disorder among students of School of Medicine - Vietnam National University Ho Chi Minh City was 36.2%. In which, the level of anxiety from mild to moderate, severe anxiety and extreme anxiety respectively: 27.92%; 7.4%; 0.88%. Factors associated with anxiety include: gender, having someone to share with, pressure on academic performance, pressure on family and social relationships, pressure from COVID-19, financial pressure, pressure on appearance and social networks time use.


Conclusion: The prevalence of anxiety disorders among students of School of Medicine - Vietnam National University Ho Chi Minh City is alarming. Finding out the associated factors helps to identify groups of students that need to be prioritized in detecting mental health problems and taking appropriate measures to improve their mental health.

MỞ ĐẦU

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó cá nhân nhận ra khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc năng suất, hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng của mình 1 . Ngày nay, vấn đề sức khỏe tâm thần là một gánh nặng bệnh tật rất đáng quan tâm, chiếm 14% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu 2 . Rối loạn lo âu là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến. Một nghiên cứu phân tích gộp 48 nghiên cứu về lo âu ở nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu nói chung trên toàn cầu là 3,8-25% 3 .

Sinh viên y khoa với đặc thù phải chịu nhiều áp lực về thi cử và học tập là nhóm đối tượng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao. Nghiên cứu của Wahed và cộng sự năm 2015 tại Đại học Fayoum, Ai Cập trên nhóm sinh viên y khoa từ năm thứ nhất đến năm thứ tư cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu của đối tượng này là 64,3% 4 , trong khi nghiên cứu của Xiao tại Trung Quốc năm 2020 trên sinh viên y cả nước cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu lại thấp hơn, tỉ lệ này là 17,1% 5 . Nghiên cứu phân tích gộp của Travis Tian-Ci Quek và cộng sự năm 2019 đã chỉ ra tỉ lệ rối loạn lo âu của sinh viên y khoa trên thế giới lên đến 33,8% 6 . Tại Việt Nam, nghiên cứu của Trần Kim Trang trên sinh viên Đại học y dược TP.HCM và nghiên cứu của Nguyễn Tiến Đạt trên sinh viên Đại học y Hà Nội cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu lần lượt là 22,4% và 9,8% 7 , 8 . Điều này cho thấy, tình trạng rối loạn lo âu ở sinh viên y khoa là một vấn đề sức khỏe tâm thần rất đáng được quan tâm. Hiện nay, có nhiều bộ công cụ để đánh giá lo âu. Trong đó, thang đo SAS được xây dựng bởi William W.K Zung năm 1971 là một thang đo tham chiếu chuẩn, được sử dụng rộng rãi để sàng lọc các rối loạn lo âu 9 . Thang đo có độ nhạy 88,4%, độ đặc hiệu 74,7% 9 và đã được chứng minh phù hợp với sinh viên y khoa với Cronbach's alpha là 0,88 10 . Từ những vấn đề trên, nghiên cứu này được thực hiện với thang đo SAS là bộ công cụ được lựa chọn sử dụng trong nghiên cứu nhằm xác định tỉ lệ rối loạn lo âu ở sinh viên Khoa Y-ĐHQG-HCM và phân tích một số yếu tố liên quan đến rối loạn lo âu ở sinh viên Khoa Y-ĐHQG-HCM.

VẬT LIỆU-PHƯƠNG PHÁP

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu cắt ngang.

Đối tượng nghiên cứu

Mẫu nghiên cứu: 906 sinh viên Khoa Y-ĐHQG-HCM thuộc 3 ngành (Ngành Y khoa, Ngành Dược và Răng hàm mặt).

Tiêu chí chọn mẫu

Tiêu chuẩn chọn vào:

- Sinh viên thuộc 14 lớp của Khoa Y - ĐHQG.HCM (Ngành Y: 7 lớp, Ngành Dược: 5 lớp, Ngành Răng hàm mặt: 2 lớp).

- Đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại ra: Sinh viên không hoàn thành 100% bộ câu hỏi.

Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu toàn bộ.

Thời gian lấy mẫu: Từ 09-30/09/2021.

Công cụ và phương pháp thu thập số liệu

Công cụ: Nghiên cứu sử dụng thang đo mức độ lo âu tự đánh giá của Zung (SAS). Thang đo gồm 20 câu hỏi nhằm khảo sát tần suất xuất hiện các triệu chứng, được đánh giá bằng thang đo Likert 4 điểm, bao gồm “Không có” (1 điểm), “Đôi khi” (2 điểm), “Khá thường xuyên” (3 điểm) và “Rất thường xuyên” (4 điểm). Các câu 5, 9, 13, 17 và 19 được đảo ngược điểm so với các câu còn lại. Điểm số thô thu được sẽ từ 20-80, điểm số này sẽ được chuyển đổi thành điểm chỉ số để phân nhóm bằng cách chia tổng điểm thô cho 80 và nhân với 100. Phân loại mức độ rối loạn lo âu dựa vào điểm chỉ số: <45 điểm: không có rối loạn lo âu, 45-59 điểm: lo âu từ nhẹ đến trung bình, 60-74 điểm: lo âu nặng, ≥75 điểm: lo âu cực độ 11 .

Phương pháp thu thập số liệu: Khảo sát bằng bộ câu hỏi tự điền thông qua Google Form. Một nghiên cứu cho thấy số người thích trả lời bảng câu hỏi sức khỏe tâm thần trên máy tính có tỉ lệ cao hơn so với số người thích trả lời trên giấy 12 .

Phân tích và xử lí số liệu

Các dữ liệu sau khi thu thập sẽ được xử lí, mã hóa bằng phần mềm Excel và phân tích bằng phần mềm Stata 13.0.

Sử dụng tần suất và tỉ lệ phần trăm để mô tả các biến nhị giá, danh định và thứ tự. Sử dụng trung bình ± độ lệch chuẩn để mô tả biến số định lượng. Kiểm định Chi bình phương được sử dụng để mô tả liên quan giữa đặc tính của mẫu nghiên cứu với rối loạn lo âu và lượng giá mối liên quan bằng tỉ số tỉ lệ hiện mắc PR với p<0,05 được xác định là có ý nghĩa thống kê.

KẾT QUẢ

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện trên 906 sinh viên Khoa Y-ĐHQG-HCM, tuổi trung bình ghi nhận là 21,55 ± 2,01 tuổi. Các thông tin về đối tượng nghiên cứu được mô tả trong Table 1 .

Table 1 Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu (n=906)

Trong tổng số 906 sinh viên tham gia nghiên cứu, tỉ lệ nữ giới gấp 1,3 lần nam giới. Số lượng tham gia nhiều nhất là sinh viên năm 4 (23,51%), ít nhất là năm 6 (6,73%). Phần lớn mẫu nghiên cứu là sinh viên ngành Y (62,8%) và ít nhất là ngành Răng hàm mặt (9,82%). Đa số sinh viên đều đang sống cùng người khác (94,92%) và có người để chia sẻ khó khăn, áp lực trong cuộc sống (77,04%). Sinh viên đang gặp các áp lực về học tập, áp lực COVID-19, áp lực tài chính, áp lực về quan hệ gia đình và xã hội, áp lực ngoại hình lần lượt là: 72,41%; 58,17%; 53,75%, 39,62% và 33,66%. Số lượng sinh viên sử dụng mạng xã hội ≥ 4 giờ/ngày lên đến 76,82% ( Table 1 ).

Đặc điểm rối loạn lo âu của đối tượng nghiên cứu

Figure 1 . Phân loại mức độ lo âu của nhóm đối tượng nghiên cứu(n=906)

Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến hơn 1/3 số sinh viên được khảo sát có rối loạn lo âu. Trong đó, đa số là lo âu ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Sinh viên có lo âu cực độ chiếm 0,88% ( Figure 1 ).

Mối liên quan giữa rối loạn lo âu và một số đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Table 2 Mối liên quan giữa rối loạn lo âu và một số đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Một số đặc điểm của đối tượng nghiên cứu có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với rối loạn lo âu (p<0,05) gồm: giới tính, có người để chia sẻ, áp lực học tập, áp lực COVID-19, áp lực tài chính, áp lực quan hệ gia đình và xã hội, áp lực ngoại hình và thời gian sử dụng mạng xã hội ( Table 2 ).

THẢO LUẬN

Đối tượng nghiên cứu gồm đủ các khóa và các ngành đang được đào tạo tại Khoa Y-ĐHQG-HCM giúp số liệu có tính đại diện cao. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu của sinh viên Khoa Y-ĐHQG-HCM là 36,2%. Điều này tương đồng với tỉ lệ rối loạn lo âu của sinh viên y khoa trên thế giới (33,8%) và sinh viên y khoa Châu Á (35,2%) (6). So với các nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ rối loạn lo âu của sinh viên ngành y trong nghiên cứu này cao hơn đáng kể. Nghiên cứu của Trần Kim Trang trên sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM sử dụng thang đo DASS-21 cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu của đối tượng này là 22,4% 7 . Nghiên cứu của Nguyễn Tiến Đạt trên sinh viên Đại học Y Hà Nội sử dụng thang đo GAD-7 cho thấy tỉ lệ này là 9,8% 8 . Sự khác nhau về chương trình học, về độ nhạy và độ đặc hiệu của các thang đo trong các nghiên cứu có thể là nguyên nhân dẫn đến kết quả nghiên cứu không tương đồng. Thêm vào đó, khác với các nghiên cứu trước đó tại Việt Nam, nghiên cứu này được thực hiện đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh và giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt trên cả nước. Do đó, việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp thành trực tuyến và việc phải chịu một phần áp lực của dịch bệnh cũng góp phần làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của sinh viên.

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu tìm thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới tính và rối loạn lo âu. Trong đó, nam giới có tỉ lệ rối loạn lo âu thấp hơn nữ giới (PR= 0,71; KTC 95%: 0,59-0,86). Mối liên quan này tương tự như nghiên cứu của Wahed năm 2015 trên sinh viên Đại học Fayoum, Ai Cập 4 . Tuy nhiên, nghiên cứu của Nurazah Ismail ở Malaysia và nghiên cứu của Nguyễn Tiến Đạt ở Hà Nội lại chỉ ra rằng không có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới tính và tình trạng rối loạn lo âu 8 , 13 . Mặc dù có nhiều nghiên cứu tìm kiếm mối liên quan này nhưng kết quả vẫn chưa nhất quán và khác nhau giữa các quốc gia và các trường đại học. Nghiên cứu cũng cho thấy những sinh viên có người để chia sẻ những áp lực, khó khăn trong cuộc sống có tỉ lệ rối loạn lo âu thấp hơn so với những sinh viên không có người để chia sẻ (PR=0,66; KTC 95%:0,55-0,79) trong khi tỉ lệ rối loạn lo âu giữa nhóm sống một mình và sống cùng người khác thì lại khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p=0,913). Điều này cho thấy để giảm tỉ lệ rối loạn lo âu thì việc sinh viên có một người mà họ tin tưởng để chia sẻ những khó khăn, áp lực trong cuộc sống sẽ quan trọng hơn việc họ có một người sống chung. Những áp lực về học tập, về COVID-19, về tài chính, về quan hệ gia đình và xã hội và về ngoại hình cũng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với rối loạn lo âu của sinh viên (p<0,05). Đáng chú ý nhất trong đó là áp lực về kết quả học tập và áp lực về quan hệ gia đình và xã hội. Những sinh viên bị áp lực về kết quả học tập có tỉ lệ rối loạn lo âu cao gấp 1,98 lần (PR=1,98; KTC 95%: 1,53-2,55) và những sinh viên bị áp lực về quan hệ gia đình và xã hội có tỉ lệ rối loạn lo âu cao gấp 2,05 lần (PR=2,05; KTC 95%: 1,72-2,43) nhóm không bị áp lực. Cũng liên quan đến kết quả học tập, nghiên cứu của Nguyễn Tiến Đạt trên sinh viên y Hà Nội năm 2019 cho thấy những sinh viên phải thi lại hoặc học lại có tỉ lệ rối loạn lo âu cao hơn 8 . Sự tương đồng này cho thấy những áp lực về kết quả học tập gần như là những yếu tố chung và quan trọng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của sinh viên y khoa. Hơn nửa số sinh viên trong nghiên cứu này tự thấy rằng họ bị áp lực về tài chính và nhóm này cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao hơn (PR=1,68; KTC 95%: 1,39 - 2,03). Điều này có thể giải thích là do ngoài khoản tài chính được phụ cấp từ gia đình thì sinh viên y khoa khó có thời gian để có thêm thu nhập từ các việc làm thêm so với sinh viên ngành khác trong khi họ cũng phải đối mặt với nhiều chi phí liên quan đến sinh hoạt và học tập. Về áp lực ngoại hình, trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu không đề cập cụ thể đến một yếu tố ngoại hình cụ thể nào chẳng hạn như BMI hay trang phục khi xuất hiện miễn là họ tự cảm thấy áp lực về bất cứ điều gì liên quan đến ngoại hình. Khoảng 1/3 số sinh viên được khảo sát tự thấy rằng mình bị áp lực về ngoại hình và nhóm này có tỉ lệ lo âu cao hơn nhóm còn lại (PR=1,66; KTC95%: 1,40 - 1,96). Các nghiên cứu trước đây cho thấy, có mối liên quan giữa thời gian sử dụng mạng xã hội với tình trạng rối loạn lo âu 14 . Nghiên cứu này cũng cho kết quả tương tự. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên sử dụng MXH ≥4 giờ/ngày có tỉ lệ rối loạn lo âu cao hơn nhóm sử dụng <4 giờ/ngày (PR=1,32; KTC 95%: 1,05-1,66). Kết quả này rất có ý nghĩa trong việc hướng dẫn sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của sinh viên.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu phát hiện tỉ lệ rối loạn lo âu của sinh viên y khoa là 36,2%, chủ yếu là lo âu ở mức độ nhẹ đến trung bình. Có mối liên liên có ý nghĩa giữa giới tính, có người để chia sẻ, áp lực về kết quả học tập, áp lực về COVID-19, áp lực về tài chính, áp lực về quan hệ gia đình và xã hội, áp lực về ngoại hình và thời gian sử dụng mạng xã hội với rối loạn lo âu. Vì vậy, để giảm bớt tình trạng lo âu cho sinh viên, những hoạt động nhằm giảm bớt các áp lực trong cuộc sống và khuyến khích sinh viên sử dụng mạng xã hội <4 giờ/ngày là rất cần thiết.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BMI: Body Mass Index

ĐHQG-HCM: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

GĐ & XH: Gia đình và xã hội

KTC 95%: Khoảng tin cậy 95%

MXH: Mạng xã hội

SAS: Zung Self-rating Anxiety Scale

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả cam kết rằng không có xung đột lợi ích khi thực hiện nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Hoàng Thị Như Ngọc lên ý tưởng; thiết kế nghiên cứu; thu thập số liệu; xử lí và phân tích số liệu; tổng hợp tài liệu; viết và hoàn thiện bản thảo.

ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Ân hướng dẫn và giám sát thu thập số liệu, chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo.

Bùi Công Minh, Nguyễn Thị Tiểu Ngọc, Võ Quang Nghĩa, Lê Viết Mỹ thu thập, xử lí và phân tích số liệu.

ThS. Nguyễn Hoàng Dũng chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số C2021-44-04 cho tác giả ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Ân, quyết định phê duyệt số 108/QĐ-ĐHQG ngày 04/02/2021. Quyết định phê duyệt của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học số 02/QĐ-IRB-VN01.017.

References

  1. Herrman H, Saxena S, Moodie R. Promoting mental health: concepts, emerging evidence, practice: a report of the World Health Organization, Department of Mental Health and Substance Abuse in collaboration with the Victorian Health Promotion Foundation and the University of Melbourne: World Health Organization; 2005. . ;:. Google Scholar
  2. Prince M, Patel V, Saxena S, Maj M, Maselko J, Phillips MR, et al. No health without mental health. The lancet. 2007;370(9590):859-77. . ;:. Google Scholar
  3. Remes O, Brayne C, van der Linde R, Lafortune L. A systematic review of reviews on the prevalence of anxiety disorders in adult populations. Brain and behavior. 2016;6(7):e00497. . ;:. PubMed Google Scholar
  4. Wahed WYA, Hassan SK. Prevalence and associated factors of stress, anxiety and depression among medical Fayoum University students. Alexandria Journal of medicine. 2017;53(1):77-84. . ;:. Google Scholar
  5. Xiao H, Shu W, Li M, Li Z, Tao F, Wu X, et al. Social Distancing among Medical Students during the 2019 Coronavirus Disease Pandemic in China: Disease Awareness, Anxiety Disorder, Depression, and Behavioral Activities. Int J Environ Res Public Health. 2020;17(14). . ;:. PubMed Google Scholar
  6. Tian-Ci Quek T, Wai-San Tam W, X. Tran B, Zhang M, Zhang Z, Su-Hui Ho C, et al. The global prevalence of anxiety among medical students: a meta-analysis. International journal of environmental research and public health. 2019;16(15):2735. . ;:. PubMed Google Scholar
  7. Trang TK. Stress, lo âu, trầm cảm ở sinh viên y khoa. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh. 2012;16(1):356-62. . ;:. Google Scholar
  8. Đạt NT, Linh HT, Lê Mai DN, Tùng PT, Trang NTT, Giang KB. Tỉ lệ rối loạn lo âu lan tỏa và một số yếu tố liên quan ở sinh viên Đại học Y Hà Nội năm học 2018-2019. Tạp chí Nghiên cứu Y học. 2021;140(4):135-42. . ;:. Google Scholar
  9. Dunstan DA, Scott N. Norms for Zung's self-rating anxiety scale. BMC psychiatry. 2020;20(1):1-8. . ;:. PubMed Google Scholar
  10. Nguyễn ÂHB, Nguyen NTT, Bui MC, Le MV, Vo NQ, Hoang NTN, et al. Application of the Beck Depression Inventory-II, Zung Self-Rating Anxiety Scale và Pittsburgh Sleep Quality Index on student of School of Medicine-Vietnam National University Ho Chi Minh City: a pilot study. Science & Technology Development Journal-Health Sciences. 2021;2(2):323-9. . ;:. Google Scholar
  11. Dunstan DA, Scott N. Assigning Clinical Significance and Symptom Severity Using the Zung Scales: Levels of Misclassification Arising from Confusion between Index and Raw Scores. Depression research and treatment. 2018;2018:9250972. . ;:. PubMed Google Scholar
  12. Wijndaele K, Matton L, Duvigneaud N, Lefevre J, Duquet W, Thomis M, et al. Reliability, equivalence and respondent preference of computerized versus paper-and-pencil mental health questionnaires. Computers in human behavior. 2007;23(4):1958-70. . ;:. Google Scholar
  13. Ismail N, Tajjudin AI, Jaafar H, Nik Jaafar NR, Baharudin A, Ibrahim N. The Relationship between Internet Addiction, Internet Gaming and Anxiety among Medical Students in a Malaysian Public University during COVID-19 Pandemic. Int J Environ Res Public Health. 2021;18(22). . ;:. PubMed Google Scholar
  14. Barman L, Mukhopadhyay DK, Bandyopadhyay GK. Use of Social Networking Site and Mental Disorders among Medical Students in Kolkata, West Bengal. Indian journal of psychiatry. 2018;60(3):340-5. . ;:. PubMed Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 2 (2022)
Page No.: 436-442
Published: Dec 15, 2022
Section: Original research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjhs.v3i2.516

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyễn, Ân, Hoàng, N., Nguyễn, N., Võ, N., Bùi, M., Lê, M., & Nguyễn, D. (2022). Prevalence of anxiety disorders and associated factors among students of School of Medicine – Vietnam National University Ho Chi Minh City. Science and Technology Development Journal: Health Sciences, 3(2), 436-442. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjhs.v3i2.516

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2110 times
PDF   = 801 times
XML   = 0 times
Total   = 801 times