VNUHCM Journal of

Health Sciences

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

ISSN 2734-9446

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original research

HTML

16

Total

7

Share

E-Learning in medical education at the University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City: Perspectives from academic staffs






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the post-COVID-19 era, medical education has undergone significant transformations, with a stronger emphasis on developing online learning platforms to support faculty in managing online teaching. However, the findings of this study indicate that the potential of online learning platforms for educational purposes remains underutilized, as users face various challenges during their use. A qualitative study was conducted during the 2022 – 2023 academic year. The research team conducted in-depth interviews with 11 faculty members at the University of Medicine and Pharmacy in Ho Chi Minh City (UMP). The analysis of the interview data revealed four main themes: (1) Challenges in uploading and managing materials provided to students; (2) Lack of training on the E-learning platform for faculty; (3) Limited functionalities supporting interaction between faculty and students; (4) Suggestions for optimizing the use of the E-learning platform. To fully harness the features of the E-learning platform, it is essential to address the identified issues and continuously improve the platform by incorporating training, enhancing accessibility to digital resources, and developing new features based on user feedback and needs. Addressing these challenges can make the E-learning platform a more effective tool for improving the quality of education.

Đặt vấn đề

Chất lượng giáo dục y khoa là nền tảng của việc đào tạo các chuyên gia y tế có năng lực cao và thúc đẩy sự phát triển của giáo dục y khoa 1 , 2 . Trong hai thập kỷ gần đây, học trực tuyến (E-learning) đã phát triển vượt bậc, giúp mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, tối ưu hóa chi phí, và thúc đẩy các hình thức tương tác giảng dạy trong giáo dục y khoa 3 , 4 , 5 . Mặc dù E-learning chủ yếu được áp dụng trong các khóa học về khoa học y khoa cơ bản, nhưng phương pháp này đã và đang dần được tích hợp vào các phương pháp giảng dạy truyền thống, phát triển các môi trường học tập kết hợp (blended learning) có tính linh hoạt và hiệu quả cao 6 , 7 . Để triển khai sử dụng nền tảng E-learning một cách hiệu quả trong giáo dục y khoa, cần sự phối hợp giữa nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm thiết bị điện tử hiện đại, kết nối internet tốc độ cao, các chiến lược sư phạm được thiết kế phù hợp, sự hỗ trợ kỹ thuật toàn diện, và cơ sở hạ tầng đồng bộ trong nhà trường 4 , 8 , 9 . Các hệ thống quản lý học tập (Learning Management Systems - LMS) đã được cải tiến và áp dụng rộng rãi, trở thành nền tảng trung tâm hỗ trợ phân phối nội dung khóa học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của trải nghiệm dạy và học 10 , 11 .

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục y khoa toàn cầu, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng chuyển đổi sang các phương thức giảng dạy trực tuyến. Trong bối cảnh này, sự tương tác giữa giảng viên (GV) và sinh viên (SV), cũng như giữa các SV, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập. Tuy nhiên, việc triển khai sử dụng nền tảng E-learning vẫn gặp phải những rào cản đáng kể, bao gồm chất lượng kết nối mạng không ổn định, hạn chế trong khả năng tiếp cận internet, đội ngũ nhân viên kỹ thuật thiếu năng lực về kỹ thuật số, và kinh nghiệm hạn chế của cả GV lẫn SV 12 , 13 , 14 . Mặc dù đối mặt với những thách thức nêu trên, nền tảng E-learning đã được chứng minh là có tiềm năng trong việc thúc đẩy học tập tự định hướng và chủ động, đồng thời hỗ trợ GV trong việc theo dõi và quản lý tiến độ học tập của SV một cách hiệu quả 15 , 16 , 17 , 18 . Phương thức này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối tài liệu và cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục.

Trong khi các quốc gia có thu nhập cao đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và ứng dụng các nền tảng E-learning 19 , các trường y khoa tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Dù mức độ đầu tư vào các nền tảng E-learning được gia tăng, vẫn cần có thêm nghiên cứu và thảo luận để giải quyết các hạn chế còn tồn tại. Việc thu thập và phân tích quan điểm của GV và SV về nền tảng E-learning là cần thiết để xác định các bất cập trong việc triển khai và tối ưu hóa phương thức giảng dạy này 20 , 21 , 22 .

Kể từ năm 2016, ĐHYD đã tích hợp nền tảng E-learning vào chương trình đào tạo với mục tiêu nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, các khảo sát cuối học phần chỉ ra rằng cả GV lẫn SV đều nhận định rằng hiệu quả của E-learning chưa đạt được kỳ vọng ban đầu. Nghiên cứu này nhằm đánh giá việc ứng dụng nền tảng E-learning trong giáo dục y khoa, xác định các rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp này, và những thách thức mà GV gặp phải trong giai đoạn đầu tiếp cận nền tảng E-learning.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu

Chúng tôi tiến hành một nghiên cứu định tính trong năm học 2022 – 2023 tại Khoa Y, ĐHYD. Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu, bán cấu trúc, với các câu hỏi dẫn được thiết kế để đảm bảo phỏng vấn bao phủ những chủ đề quan trọng để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc được lựa chọn nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong việc khai thác thông tin từ người tham gia.

Quy trình thu thập dữ liệu

Bộ câu hỏi dẫn để hướng dẫn phỏng vấn được thiết kế dựa trên cơ sở các nghiên cứu trước và ý kiến đóng góp từ GV của ĐHYD. Các buổi phỏng vấn được thực hiện trực tiếp tại khoa Y, ĐHYD, với thời gian từ 20 đến 45 phút. Thành viên nhóm nghiên cứu dựa vào bộ câu hỏi dẫn để phỏng vấn GV các quan điểm về E-learning.

Tất cả GV được mời tham gia vào nghiên cứu và không có tiêu chí loại trừ. GV được cung cấp thông tin về nghiên cứu và ký vào phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu trước khi tham gia vào buổi phỏng vấn. Trước mỗi buổi phỏng vấn, nhóm nghiên cứu hỏi về sự đồng thuận của GV về việc ghi âm. Tuy nhiên, chúng tôi không cố gắng thuyết phục nhằm tránh GV có lo ngại về việc sử dụng kết quả phỏng vấn. Các ghi âm và ghi chép từ phỏng vấn được giải băng, tổng hợp và tiến hành phân tích nội dung. Các trích dẫn trực tiếp từ người tham gia được sử dụng để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.

Phân tích dữ liệu

Các bản ghi âm từ các cuộc phỏng vấn được phân tích theo phương pháp phân tích chủ đề. Sau khi giải băng, nhóm nghiên cứu tiến hành mã hóa các nội dung thông qua các kỹ thuật mã hóa mở và mã hóa có trọng tâm. Các chủ đề và tiểu chủ đề được phát triển thông qua việc kết nối các khái niệm có liên quan. Chúng tôi lặp lại quá trình trên cho đến khi tất cả các dữ liệu có liên quan được khai thác đầy đủ và các chủ đề được xác định rõ ràng.

Đạo đức trong nghiên cứu

Nghiên cứu này đã được phê duyệt bởi Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh của ĐHYD (số 552/HĐĐĐ-ĐHYD ngày 06/02/2022), và tất cả các quy trình nghiên cứu đều tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu.

Kết quả

Đặc điểm người tham gia

Nghiên cứu này bao gồm 11 GV đến từ các bộ môn và module khác nhau tại ĐHYD, bao gồm Dược lý học, Dự án học thuật, Khoa học thần kinh hành vi, Sinh lý học và Bệnh lý học, Chấn thương chỉnh hình và Nội tổng quát. Người tham gia đến từ các chuyên ngành đa dạng này giúp cung cấp một cái nhìn toàn diện về thực trạng và mức độ áp dụng nền tảng E-learning trong công tác giảng dạy tại trường.

Kết quả phỏng vấn

Trong các cuộc phỏng vấn, GV chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của họ khi sử dụng nền tảng E-learning trong giảng dạy, thảo luận về các ưu điểm và nhược điểm của E-learning. Đồng thời, GV chỉ ra những yếu tố cản trở việc sử dụng E-learning trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Những kiến nghị được đưa ra để tối ưu hóa việc sử dụng nền tảng ở vai trò là người sử dụng trực tiếp E-learning trong giảng dạy tại ĐHYD. Phân tích dữ liệu đưa ra bốn chủ đề chính, được trình bày cùng với các trích dẫn từ GV được ký hiệu là G-.

Chủ đề 1: Thách thức trong việc đăng tải và quản lý tài liệu cung cấp cho SV.

Quy trình tải tài liệu lên nền tảng E-learning có sự khác biệt rõ rệt giữa các Bộ môn, “thường do thư ký hoặc GV trẻ đảm nhận”. Một số Bộ môn hạn chế người vào nền tảng E-learning vì lý do bảo mật thông tin. Việc làm quen với nền tảng E-learning là yếu tố quan trọng để GV có thể cập nhật tài liệu một cách hiệu quả. Nền tảng E-learning có thể hỗ trợ giảng dạy lý thuyết, và nền tảng này “chưa được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động lượng giá, đặc biệt là các lượng giá lâm sàng tại bệnh viện thực hành”. Do đó, “nền tảng E-learning chủ yếu được áp dụng cho các học phần lý thuyết và bài thi trắc nghiệm”. Một số GV cho rằng việc sử dụng nền tảng này cho việc lượng giá cuối kỳ gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm: "Nền tảng E-learning không đủ khả năng để tải các bài kiểm tra lên. Chúng tôi có một phần mềm riêng để tổ chức thi, như phần mềm E của trường" (G06); "Chúng tôi không thể đảm bảo rằng SV sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của kỳ thi lượng giá qua nền tảng E-learning" (G07); và "Kết quả đánh giá qua nền tảng E-learning không được tích hợp với hệ thống chấm điểm của trường, việc nhập điểm thủ công bởi thư ký sẽ làm tăng khả năng xảy ra sai sót" (G09).

Bên cạnh đó, nền tảng E-learning hiện tại không cung cấp các công cụ cần thiết để theo dõi và giám sát mức độ tham gia học tập của SV, như hai GV đã chỉ ra: "Mặc dù chúng tôi có thể tải các tài liệu và tài liệu tham khảo lên nền tảng E-learning, nhưng chúng tôi không thể theo dõi tần suất SV truy cập và sử dụng các tài liệu này, cũng như liệu họ có sử dụng chúng để chuẩn bị cho lớp học và kỳ thi hay không" (G02); và "SV phải đọc tất cả tài liệu, vì họ lo ngại rằng các câu hỏi thi có thể sẽ được lấy từ các tài liệu này. Tuy nhiên, tôi không thể xác định được thời gian họ dành để đọc tài liệu" (G09).

Chủ đề 2: Thiếu sự tập huấn về nền tảng E-Learning cho GV .

Nền tảng E-learning được đánh giá là thiếu tính thân thiện với người sử dụng, chủ yếu do sự phức tạp và tính lặp đi lặp lại trong các quy trình tải tài liệu và xây dựng bài kiểm tra:

"Mặc dù nền tảng E-learning có chức năng tạo các bài quiz và bài kiểm tra cho từng môn học, nhưng quá trình thực hiện lại đòi hỏi nhiều bước phức tạp và tốn thời gian; đặc biệt, khi tôi cần chỉnh sửa một câu hỏi hoặc một đáp án, tôi phải thực hiện lại toàn bộ các bước từ đầu, thay vì có thể truy cập trực tiếp vào câu hỏi cần điều chỉnh" (G05).

"Nền tảng E-learning không cho phép thiết lập ưu tiên đối với các module hoặc khóa học mà GV phụ trách. Điều này dẫn đến việc phải tìm kiếm lại các module hoặc khóa học mà chúng tôi phụ trách, gây mất thời gian và giảm hiệu quả công việc" (G10).

"Giao diện trên điện thoại di động của nền tảng E-learning không được tối ưu, gây ra khó khăn đáng kể trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nền tảng này" (G11).

Mặc dù các GV gặp phải những vấn đề này khi sử dụng nền tảng E-learning, họ không được tập huấn đầy đủ để khai thác tối đa các tính năng của nền tảng trong quá trình giảng dạy. Điều này được làm rõ qua các trích dẫn sau:

"Chỉ một số GV đã được đào tạo về kỹ năng sử dụng E-learning, trong khi đó có những GV khác dù có sử dụng trực tiếp nền tảng này không được đào tạo đầy đủ" (G01).

"Chỉ có thư ký và các GV chịu trách nhiệm về E-learning mới được tập huấn về cách sử dụng nền tảng này. Cá nhân tôi không được tập huấn, do đó tôi không biết cách sử dụng E-learning" (G04).

"Chúng tôi đã tham gia một khóa tập huấn về nền tảng E-learning vào năm 2018 khi triển khai chương trình cải cách dành cho SV y khoa năm thứ hai. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, không có thêm bất kỳ chương trình tập huấn nào được tổ chức" (G05).

Chủ đề 3: Hạn chế chức năng hỗ trợ tương tác giữa GV và SV .

Mặc dù nền tảng E-learning tích hợp tính năng diễn đàn nhằm hỗ trợ giao tiếp giữa GV và SV, chức năng này lại không được khai thác một cách đầy đủ. Một số GV chia sẻ rằng họ không hề biết về sự tồn tại của tính năng này của E-learning: "Tôi không biết về diễn đàn trên E-learning, vì vậy tôi không sử dụng nó. Tôi cũng không biết là SV có câu hỏi gì trên diễn đàn không" (G05); hoặc "Tôi đã đăng nhập vào E-learning vài tháng trước, nhưng tôi không biết có tính năng diễn đàn trên nền tảng này" (G10). Các GV khác tuy chia sẻ họ biết E-learning có diễn đàn, nhưng không sử dụng nó: "Tôi không nhận được thông báo nào về diễn đàn, nên tôi không biết SV có câu hỏi gì cho tôi trên E-learning không" (G06); "Tôi không thấy có hoạt động nào trên diễn đàn" (G08); "Chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức về việc sử dụng diễn đàn… Nói cách khác, tôi không rõ diễn đàn có thể hỗ trợ gì cho công việc giảng dạy của tôi" (G09); hay "Tôi từng thấy một vài câu hỏi của SV trên diễn đàn, nhưng khi đó vấn đề đã được giải quyết từ lâu rồi" (G11).

Khi diễn đàn không thực hiện được vai trò như một công cụ giao tiếp hiệu quả giữa GV và SV, các nền tảng truyền thông xã hội khác được sử dụng nhiều hơn vì mang lại sự thuận tiện, đặc biệt trong những tình huống cần trao đổi thông tin nhanh. Một GV nhận xét về việc sử dụng Zalo: "Chúng tôi có các nhóm với các trưởng nhóm SV. Đây là phương thức nhanh chóng và tiện lợi nhất để thông báo các vấn đề đến SV" (G10). Việc đăng câu hỏi trên nền tảng E-learning được coi là không hiệu quả, bởi vì "Tôi không phải lúc nào cũng online trên E-learning, nên tôi không thể biết liệu SV có câu hỏi nào cho tôi hay không. Dùng các kênh như Zalo, Viber hay WhatsApp giúp tôi trả lời nhanh chóng và tiện lợi hơn" (G07). Đặc biệt, đối với các GV lâm sàng, SV thường “trực tiếp trao đổi câu hỏi với GV trong môi trường thực hành lâm sàng, hoặc trong các cuộc thảo luận tại giường bệnh hay hội chẩn”. Tuy nhiên, GV cũng nêu ra vấn đề quá tải thông tin khi có quá nhiều nhóm trên Zalo để phục vụ các mục đích khác nhau dẫn đến sự gia tăng khối lượng tin nhắn, gây khó khăn cho GV trong việc quản lý và xử lý các câu hỏi từ SV, “thậm chí có ngày tôi nhận tới 50 tin nhắn từ SV” (G09).

Chủ đề 4: Các đề xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nền tảng E-learning

Một GV nhấn mạnh sự cần thiết có các quy định chặt chẽ về sử dụng E-learning nhằm thúc đẩy việc áp dụng nền tảng E-learning trong công tác giảng dạy: "Việc khuyến khích sử dụng nền tảng E-learning có thể thực hiện được thông qua việc thiết lập các quy định rõ ràng và gửi thông báo cũng như hướng dẫn cho SV, từ đó nâng cao mức độ sử dụng nền tảng này cho mục đích học tập" (G05). Thêm vào đó, một GV khác cho rằng việc sử dụng E-learning sẽ giúp bảo vệ tính bảo mật thông tin trong môi trường học thuật: "E-learning có thể giúp duy trì tính bảo mật của thông tin học tập trong trường học, và việc sử dụng nó thay vì các kênh truyền thông xã hội sẽ giúp bảo vệ thông tin của SV cũng như GV" (G09). Một GV khác đề xuất hướng để GV và SV có thể dễ dàng làm quen với E-learning: "Chúng tôi tổ chức tất cả các hoạt động và bài kiểm tra trên E-learning và thiết lập thời gian nộp bài. Chúng tôi yêu cầu hệ thống gửi thông báo nhắc nhở qua email cho cả GV và SV. Khi nhận được thông báo, chúng tôi có thể theo dõi việc nộp bài của SV và tiến hành lượng giá ngay trên nền tảng E-learning" (G02).

Ngoài ra, việc nền tảng E-learning gửi thông báo trực tiếp tới điện thoại của GV khi SV gửi câu hỏi qua diễn đàn sẽ giúp GV phản hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn: "Khi tôi giao bài tập cho SV, họ có thể nhận thông báo trực tiếp qua điện thoại, điều này thuận tiện hơn rất nhiều so với việc nhận qua email vì chúng tôi thường xuyên nhận rất nhiều email và có thể bỏ sót" (G05); "SV cần được thông báo ngay khi tài liệu học được cập nhật, đồng thời cần có thông báo khi họ gửi câu hỏi qua nền tảng để GV có thể trả lời kịp thời" (G09).

Cuối cùng, việc tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật từ bộ phận công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng để cải thiện việc sử dụng E-learning. Các GV nhấn mạnh rằng việc tổ chức các khóa đào tạo và cập nhật tính năng nền tảng thường xuyên sẽ giúp GV làm quen và tận dụng tốt hơn nền tảng này trong giảng dạy. Một GV cho rằng: "Không chỉ các GV phụ trách E-learning, mà tất cả GV đều cần được tập huấn về cách sử dụng nền tảng E-learning để phục vụ giảng dạy, giúp tạo ra nhiều hoạt động học tập phong phú cho SV. Chúng tôi rất cần được tập huấn và nếu cần, tổ chức tập huấn lại về các tính năng mới của nền tảng mà chúng tôi chưa được cập nhật" (G06).

Thảo luận

Các tính năng hiện tại của nền tảng E-learning chủ yếu được sử dụng cho mục đích giảng dạy lý thuyết và lượng giá. Tuy nhiên, những hạn chế về chức năng đã làm giảm khả năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu giảng dạy và lượng giá của GV, đặc biệt trong môi trường lâm sàng. Kết quả nghiên cứu này tương tự các nghiên cứu trước đây khi chỉ ra nền tảng E-learning có thể nâng cao kết quả học tập trong các môn học lý thuyết, nhưng còn thiếu hiệu quả trong hỗ trợ giảng dạy và học tập trên thực hành. Điều này cho thấy sự cần thiết của một chính sách đồng bộ để hướng dẫn và yêu cầu sự tham gia của GV vào việc sử dụng nền tảng E-learning một cách toàn diện và hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các GV gặp phải nhiều rào cản trong việc sử dụng các tính năng giao tiếp của nền tảng này, chẳng hạn như thiếu thông báo kịp thời về các câu hỏi trong diễn đàn, thiếu khả năng phản hồi nhanh chóng, và yêu cầu giao tiếp trực tiếp trong các tình huống cần giải quyết nhanh chóng. Để khắc phục tình trạng này, cần tích hợp hệ thống thông báo qua email hoặc ứng dụng di động, nhằm đảm bảo GV có thể nhận thông báo và phản hồi kịp thời. Việc cải thiện các tính năng thông báo và giao tiếp trong nền tảng E-learning có thể làm tăng hiệu quả sử dụng và cải thiện sự tương tác giữa GV và SV. Một vấn đề quan trọng khác là sự thiếu hụt các công cụ hỗ trợ quản lý bài tập, theo dõi tiến độ học tập và cung cấp phản hồi cho SV trên E-learning. Những công cụ này là thiết yếu để GV có thể lượng giá một cách toàn diện sự tiến bộ của SV và cung cấp hỗ trợ cần thiết trong suốt quá trình học. Việc thiếu các công cụ hỗ trợ này có thể làm giảm chất lượng giảng dạy trực tuyến và làm tăng khối lượng công việc của GV.

Tập huấn sử dụng nền tảng E-learning hiện nay chưa đồng đều giữa các Bộ môn và GV. Các GV phụ trách các module giảng dạy thường xuyên nhận được các khóa tập huấn chuyên sâu và do đó có trình độ sử dụng nền tảng cao hơn so với các GV trong môi trường lâm sàng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng cần có các chương trình tập huấn định kỳ cho tất cả GV trong các Bộ môn, không chỉ đối với những người chịu trách nhiệm chính về nền tảng E-learning. Việc tập huấn phải được thực hiện liên tục và có sự cập nhật về các chức năng mới để đảm bảo tất cả GV đều có thể sử dụng nền tảng này một cách hiệu quả.

Cuối cùng, cần có một hệ thống chính sách rõ ràng về việc quản lý thông tin và quy trình phản hồi giữa GV và SV. Mặc dù nền tảng E-learning có tiềm năng lớn trong việc cải thiện chất lượng giáo dục, nhưng để đạt được hiệu quả tối đa, cần phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bao gồm cải tiến công cụ giảng dạy, tối ưu hóa các tính năng giao tiếp, và đào tạo GV. Những cải tiến này sẽ giúp nền tảng E-learning trở thành một công cụ mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao chất lượng học tập và kết quả giáo dục.

Hạn chế

Một trong những hạn chế của nghiên cứu này là việc không thực hiện phỏng vấn với các lãnh đạo và ban quản lý, những người có thể cung cấp những thông tin quan trọng về vai trò và tầm quan trọng của E-learning để có sự tích hợp của nền tảng này vào các chương trình đào tạo. Việc bổ sung các đối tượng này sẽ giúp tạo ra cái nhìn toàn diện hơn về những thách thức và cơ hội liên quan đến nền tảng E-learning, cũng như các chiến lược triển khai hiệu quả.

Nghiên cứu này được tiến hành tại một trường đại học y khoa ở Việt Nam, sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện, điều này có thể hạn chế khả năng khái quát hóa kết quả. Dù đây là phương pháp thực tiễn, nhưng nó có thể không đại diện đầy đủ cho đối tượng nghiên cứu rộng hơn, dẫn đến khả năng xảy ra sai lệch. Các nghiên cứu trong tương lai nên áp dụng các phương pháp lấy mẫu nghiêm ngặt hơn nhằm nâng cao độ tin cậy và tính chính xác của kết quả. Hơn nữa, cần có những nghiên cứu khảo sát tác động lâu dài của E-learning đến hiệu suất học tập, mức độ tham gia và sự hài lòng của SV, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nền tảng E-learning để cải thiện kết quả giáo dục.

Kết luận

Nghiên cứu đã cung cấp góc nhìn và các kiến nghị của GV để phát huy được tiềm năng của E-learning để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập trong bối cảnh mới của giáo dục y khoa. Việc đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến là rất quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm khủng hoảng khi sự phụ thuộc vào các nền tảng kỹ thuật số tăng cao. Kết quả nghiên cứu cung cấp các khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục để tập trung vào các yếu tố liên quan đến cơ sở hạ tầng mạng, năng lực sử dụng công nghệ, và các tính năng của nền tảng để hoạt động giảng dạy và học tập đạt hiệu quả. Từ đó, có thể triển khai thành công các sáng kiến học trực tuyến, nâng cao kết quả giáo dục và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đào tạo y khoa.

Lời cảm ơn

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh theo hợp đồng số 19/2022/HĐ-ĐHYD, ngày 18/04/2022.

Xung đột lợi ích

Các tác giả tuyên bố rằng họ không có xung đột lợi ích nào.

Đóng góp của tác giả

  • Thiết kế nghiên cứu: Nguyễn Thị Minh Tân, Lý Hữu Tuấn, Trần Khánh Tâm, Lê Mai Thuỳ Linh, Dương Thanh Tú, Huỳnh Thị Vũ Quỳnh.

  • Thống kê: Nguyễn Thị Minh Tân, Lý Hữu Tuấn, Trần Văn Thành, Huỳnh Thị Vũ Quỳnh.

  • Chỉnh sửa bản thảo: Nguyễn Thị Minh Tân, Trần Văn Thành, Huỳnh Thị Vũ Quỳnh.

  • Tất cả tác giả đã đọc và đồng ý xuất bản bài nghiên cứu này.

References

  1. Wang W.. Medical education in China: progress in the past 70 years and a vision for the future. BMC Med Educ. 2021;21(1):453. Google Scholar
  2. Monrouxe L.V., Editorial Bloomfield J.. Editorial: Insights in healthcare professions education: 2023. Front Med. 2024;11:e1438116. Google Scholar
  3. Ryan M.S., Holmboe E.S., Chandra S.. Competency-based medical education: considering its past, present, and a post-COVID-19 era. Acad Med. 2022;97(3S):S90-S97. Google Scholar
  4. Abbas U., Parveen M., Sahito F.S.. E-learning in medical education: a perspective of pre-clinical medical students from a lower-middle-income country. BMC Med Educ. 2024;24(1):162. Google Scholar
  5. Delungahawatta T., Dunne S.S., Hyde S.. Advances in e-learning in undergraduate clinical medicine: a systematic review. BMC Med Educ. 2022;22(1):711. Google Scholar
  6. Masic I.. E-learning as a new method of medical education. Acta Inform Med. 2008;16(2):102-17. Google Scholar
  7. Vallée A., Blacher J.. Blended learning compared to traditional learning in medical education: systematic review and meta-analysis. J Med Internet Res. 2020;22(8):e16504. Google Scholar
  8. Abdekhoda M., Dehnad A., Zarei J.. Factors influencing adoption of e-learning in healthcare: integration of UTAUT and TTF model. BMC Med Inform Decis Mak. 2022;22(1):. Google Scholar
  9. Khazanchi D., Bernsteiner R., Dilger T.. Strategies and best practices for effective e-learning: lessons from theory and experience. J Inf Technol Case Appl Res. 2022;24(3):153-65. Google Scholar
  10. Al-Ansi A.. The role of e-learning infrastructure and cognitive competence in distance learning effectiveness during the COVID-19 pandemic. Cakrawala J Pendidikan. 2021;40(1):81-91. Google Scholar
  11. Gamage S., Ayres JR, Behrend MB. A systematic review on trends in using Moodle for teaching and learning. Int J STEM Educ. 2022;9(1):9. Google Scholar
  12. Almaiah M.A., Al-Khasawneh A., Althunibat A.. Exploring the critical challenges and factors influencing the e-learning system usage during COVID-19 pandemic. Educ Inf Technol. 2020;25(6):5261-80. Google Scholar
  13. Lucey C.R., Davis J.A., Green M.M.. We have no choice but to transform: the future of medical education after the COVID-19 pandemic. Acad Med. 2022;97(3S):S71-S81. Google Scholar
  14. Bismala L.. The impact of e-learning quality and students’ self-efficacy toward satisfaction in using e-learning. Malaysian Online J Educ Technol. 2022;10(2):141-50. Google Scholar
  15. Almahasees Z., Mohsen K., Amin M.O.. Faculty’s and students’ perceptions of online learning during COVID-19. Front. Educ.. 2021;6:. Google Scholar
  16. Meyen E., Aust R., Isaacson R.. Assessing and monitoring student progress in e-learning personnel preparation environment. Teach Educ Spec Educ. 2002;25(2):187-198. Google Scholar
  17. Huynh R.. The role of e-learning in medical education. Acad Med. 2017;92(4):430. Google Scholar
  18. Ruiz J.G., Mintzer M.J., Leipzig R.M.. The impact of e-learning in medical education. Acad Med. 2006;81(3):207-12. Google Scholar
  19. Kilinc H., Altınpulluk H.. Use of discussion forums in online learning environments. Educ Inf Technol. 2021;2(1):1-9. Google Scholar
  20. Ali S., Uppal M., Gulliver S.. A conceptual framework highlighting e-learning implementation barriers. Educ Inf Technol. 2018;31(1):156-180. Google Scholar
  21. Regmi K., Jones L.. A systematic review of the factors – enablers and barriers – affecting e-learning in health sciences education. BMC Med Educ. 2020;20(1):91. Google Scholar
  22. Alioon Y., Delialioğlu Ö.. The effect of authentic m-learning activities on student engagement and motivation. Br J Educ Technol. 2019;50(2):655-68. Google Scholar


Author's Affiliation
  • Tan Thi Minh Nguyen

    Google Scholar Pubmed

  • Huu Tuan Ly

    Google Scholar Pubmed

  • Khanh Tam Tran

    Google Scholar Pubmed

  • Linh Mai Thuy Le

    Google Scholar Pubmed

  • Thanh Tu Duong

    Google Scholar Pubmed

  • Thanh Van Tran

    Google Scholar Pubmed

  • Quynh Thi Vu Huynh

    Email I'd for correspondance:

    quynh.huynh@ump.edu.vn

    Google Scholar Pubmed

Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2025)
Page No.: 740-746
Published: Jun 30, 2025
Section: Original research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjhs.v6i1.609

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, T., Ly, H. T., Tran, K. T., Le, L., Duong, T. T., Tran, T., & Huynh, Q. (2025). E-Learning in medical education at the University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City: Perspectives from academic staffs. VNUHCM Journal of Health Sciences, 6(1), 740-746. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjhs.v6i1.609

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 16 times
PDF   = 7 times
XML   = 0 times
Total   = 7 times

Most read articles by the same author(s)