Science and Technology Development Journal: Health Sciences

An official journal of School of Medicine, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original research

HTML

752

Total

252

Share

The relationship between traditional medicine constitutional types and dysmenorrhea in female students at the Faculty of Traditional Medicine at University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Objectives: Dysmenorrhea is a prevalent health issue that significantly affects the quality of life for women in their reproductive years, particularly among female students studying traditional medicine. These individuals, given their specific learning and living conditions, are at an elevated risk of experiencing menstrual pain. Traditional Medicine emphasizes the connection between dysmenorrhea and an individual's body constitution. Recognizing and adjusting one's body constitution can be beneficial in both preventing and supporting the treatment of this condition. This study aimed to investigate the relationship between the traditional medicine constitutional types and dysmenorrhea in female students at the Faculty of Traditional medicine at University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City.


Methods: This is a cross-sectional descriptive study conducted on 305 female students at the Faculty of Traditional medicine at University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City. The traditional medicine constitutional types were recorded based on standardized Vietnamese version of Constitution in Chinese Medicine Questionnaire. Female students are diagnosed with dysmenorrhea if they exhibit signs of abdominal pain or a sensation of heaviness in the abdomen during menstruation over the previous year.


Results: Female students with dysmenorrhea accounted for 77.4%. The prevalences of Qi-stagnation, Phlegm-dampness, Damp-heat, and Yin-deficiency constitutional types were significantly different between female students with and without dysmenorrhea (p<0.05).


Conclusion: Dysmenorrhea is a common gynecological problem among female students at the Faculty of Traditional Medicine, with a prevalence rate of 77.4%. The constitutional types of Qi-stagnation, Phlegm-dampness, Damp-heat, and Yin-deficiency are associated with dysmenorrhea in female medical students.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đau bụng kinh (ĐBK) là vấn đề phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ độ tuổi sinh sản và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau vùng chậu có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Ở các nước đang phát triển, một số nghiên cứu thống kê cho thấy 25-50% phụ nữ trưởng thành và 75% nữ thanh thiếu niên bị đau bụng trong lúc hành kinh 1 . Trong đó, 60% phụ nữ cho biết đã từng trải qua ít nhất một cơn đau dữ dội dẫn đến phải nghỉ làm hoặc nghỉ học 2 . Vì vậy ĐBK là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.

Hiện nay, ĐBK có nhiều cách điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ do thuốc Y học hiện đại (YHHĐ) vẫn chưa kiểm soát tốt và tỷ lệ thất bại điều trị lên đến 20-25% 2 . Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy các phương pháp Y học cổ truyền (YHCT) như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt làm giảm đáng kể các triệu chứng đau bụng so với dùng thuốc YHHĐ thông thường 3 . Theo YHCT, biểu hiện ĐBK được mô tả trong phạm vi chứng “thống kinh” và có liên quan mật thiết đến thể chất của từng cá nhân 4 . Thể chất được phân thành chín dạng và có mối quan hệ mật thiết đến sức khỏe của con người, sự khác biệt về thể chất ảnh hưởng đến sự xuất hiện, phát triển và tiên lượng bệnh 5 . Sinh viên nữ ngành YHCT thường xuyên chịu áp lực học hành, thi cử, ngủ không đủ giấc nên có thể có nguy cơ mắc ĐBK cao 6 , 7 , 8 . Do đó nghiên cứu về mối liên quan giữa thể chất YHCT và ĐBK trên nhóm đối tượng này là vấn đề cần được quan tâm. Việc xác định và điều chỉnh thể chất có thể giúp ích trong việc dự phòng, hỗ trợ điều trị bệnh cho từng cá nhân 5 . Câu hỏi được đặt ra là “Các dạng thể chất YHCT có liên quan đến tình trạng ĐBK ở sinh viên nữ ngành YHCT hay không?”. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm khảo sát mối liên quan giữa các dạng thể chất YHCT và ĐBK trên sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Tiêu chuẩn chọn

Sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng ý tham gia nghiên cứu từ tháng 01/2023 – 04/2023.

Tiêu chuẩn loại

Sinh viên không trả lời đầy đủ các câu hỏi hoặc thiếu bất kỳ thông tin nào trong bài khảo sát

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu

Cắt ngang mô tả

Cỡ mẫu

Áp dụng công thức tính cỡ mẫu ước lượng một tỷ lệ trong quần thể

Với n: cỡ mẫu tối thiểu

𝛼: Xác suất sai lầm loại 1, 𝛼 = 0,05.

𝑍: Trị số từ phân phối chuẩn, 𝑍 0,975 = 1,96 với độ tin cậy là 95%.

p: Trị số ước đoán của tỷ lệ, p = 0,866 9

d: Khoảng sai lệch (sai số tuyệt đối giữa mẫu và quần thể), d = 0,05.

Cỡ mẫu tối thiểu tính được là 179 sinh viên.

Phương pháp và công cụ thu thập số liệu

Nghiên cứu thu thập số liệu theo các biến bao gồm tuổi, dạng thể chất YHCT, ĐBK. Tất cả sinh viên sau khi được giải thích rõ ràng về mục đích nghiên cứu, kí vào giấy đồng thuận tham gia nghiên cứu, trả lời các câu hỏi trên phiếu khảo sát.

Các dạng thể chất YHCT là biến danh định có 9 giá trị bao gồm Trung tính, Khí hư, Dương hư, Âm hư, Đàm thấp, Thấp nhiệt, Huyết ứ, Khí trệ và Đặc biệt. Những dạng thể chất này được xác định dựa vào bộ câu hỏi phiên bản tiếng Việt đã được chuẩn hóa với 60 câu hỏi tự đánh giá, trong đó mỗi câu được cho điểm theo mức độ từ 1 đến 5 10 . Điểm của mỗi mục được tính cho từng người và được chuẩn hóa từ 0 đến 100 theo công thức

Điểm chuyển đổi = (Điểm gốc-Số mục)/(Số mục × 4)×100

Các dạng thể chất không cân bằng (Khí hư, Dương hư, Âm hư, Đàm thấp, Thấp nhiệt, Huyết ứ, Khí trệ và Đặc biệt) được chẩn đoán là “có” nếu điểm chuyển đổi ≥40 điểm. Thể chất Trung tính được chẩn đoán là “có” nếu điểm chuyển đổi từ 60 điểm trở lên và điểm chuyển đổi của 8 dạng thể chất còn lại dưới 30. Đây là bộ câu hỏi có độ tin cậy và hiệu lực tốt 10 .

Biến số ĐBK là biến định tính gồm 2 giá trị “có” và “không”, được ghi nhận qua câu trả lời của sinh viên. Sinh viên nữ được xác định là có ĐBK khi có biểu hiện đau bụng hoặc cảm giác trằn nặng bụng mỗi khi hành kinh trong vòng 1 năm qua 4 .

Xử lý số liệu

Số liệu thu thập từ nghiên cứu được nhập bằng phần mềm Microsoft Excel 2013 và xử lý bằng phần mềm SPSS 20. Những biến số định tính được mô tả bằng tần suất và tỷ lệ %, biến số định lượng được trình bày dưới dạng trung vị và khoảng tứ phân vị do không có phân phối chuẩn. Phép kiểm chi bình phương khuynh hướng được dùng để xác định mối liên quan giữa các dạng thể chất YHCT và ĐBK.

Các sự khác biệt được xem là có ý nghĩa thống kê khi giá trị p<0,05.

KẾT QUẢ

Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Có 305 sinh viên nữ tại Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM tham gia nghiên cứu với độ tuổi trung vị là 22, tuổi nhỏ nhất và tuổi lớn nhất lần lượt là 18 và 26 ( Table 1 ).

Table 1 Đặc điểm về tuổi của mẫu nghiên cứu (N=305)

Tỷ lệ sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y D ược TPHCM có ĐBK

Table 2 Tỷ lệ sinh viên nữ có ĐBK (N=305)

Đa số sinh viên nữ tại khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM có ĐBK với tỷ lệ 77,4% ( Table 2 ).

Mối liên quan giữa các dạng thể chất YHCT và ĐBK sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM

Tỷ lệ các dạng thể chất Khí trệ, Đàm thấp, Thấp nhiệt, Âm hư ở sinh viên nữ có ĐBK cao hơn đáng kể tỷ lệ các dạng thể chất này ở sinh viên nữ không có ĐBK (p<0,05) ( Table 3 ).

Table 3 Tỷ lệ các dạng thể chất YHCT trên sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM có và không có ĐBK (N=305)

BÀN LUẬN

Đặc điểm của mẫu nghiên cứu

Độ tuổi trung vị của toàn bộ mẫu nghiên cứu là 22, phân bố nhiều nhất trong khoảng 20-24 tuổi với thể chất và tâm lý tốt để hiểu và thực hiện khảo sát trong quá trình nghiên cứu. Đồng thời, độ tuổi này cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ đau bụng kinh cao nhất 11 , 1 . Vì nghiên cứu khảo sát trên sinh viên nữ nên mẫu nghiên cứu có sự đồng nhất về độ tuổi. Điều này giúp loại bỏ ảnh hưởng của tuổi đến việc đánh giá mối liên quan giữa các dạng thể chất YHCT và ĐBK.

Tỷ lệ sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y D ược TPHCM có ĐBK

Tỷ lệ sinh viên nữ khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM có ĐBK là 77,4%. Một nghiên cứu thực hiện trên sinh viên nữ các trường cao đẳng và đại học y tại Hà Nội năm 2022 báo cáo 86,6% sinh viên nữ có ĐBK 8 . Điều này cho thấy rằng ĐBK là vấn đề khá phổ biến ở những sinh viên y khoa, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Sinh viên ngành y thường xuyên chịu nhiều áp lực với lịch học và lịch thi dày đặc, lo âu, căng thẳng, ngủ không đủ giấc 6 , 7 , thiếu hoạt động thể chất 12 , đây đều là những yếu tố nguy cơ của ĐBK 8 . Việc đề ra những biện pháp làm giảm bớt áp lực học hành, thi cử, cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng cường hoạt động thể chất là vô cùng cần thiết giúp dự phòng ĐBK ở nhóm đối tượng này.

Mối liên quan giữa các dạng thể chất YHCT và ĐBK sinh viên nữ Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM

Những lý luận về thể chất YHCT bắt nguồn từ sách Hoàng Đế Nội Kinh dùng để chỉ sự khác nhau về đặc điểm cơ thể như Âm và Dương, Mạnh và Yếu, Gầy và Béo, Cao và Thấp 13 . Thể chất YHCT là sự phối hợp của nhiều mặt, tương đối ổn định và đặc trưng cho mỗi cá nhân về hình thái, chức năng sinh lý cũng như tâm lý. Thể chất thể hiện khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường và khả năng mắc bệnh của người đó 13 .

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận những sinh viên nữ ĐBK có tỷ lệ các dạng thể chất Khí trệ, Đàm thấp, Thấp nhiệt, Âm hư cao hơn đáng kể so với những sinh viên nữ không có ĐBK. Điều này gợi ra mối liên quan của các dạng thể chất trên đến biểu hiện ĐBK. Những người có thể chất Khí trệ tinh thần thường phiền muộn, lo nghĩ, uất giận nhiều làm cho khí cơ trở trệ, kinh hành không thông mà gây ra thống kinh 5 . Ở người có thể chất Đàm thấp hoặc Thấp nhiệt, đàm thấp tích tụ, ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết nên dễ hình thành bệnh 5 . Người có thể chất Âm hư dáng người gầy, thể chất yếu, miệng khô, họng táo, ngũ tâm phiền nhiệt, âm dịch hư tổn 5 , mạch Xung Nhâm thất điều mà dẫn đến đau bụng khi hành kinh. Qua đó có thể thấy các đặc điểm và biểu hiện của các dạng thể chất Khí trệ, Đàm thấp, Thấp nhiệt, Âm hư đều có liên quan đến sự phát sinh chứng thống kinh theo quan điểm YHCT. Do vậy, các dạng thể chất này có thể là một trong những yếu tố thuận lợi của ĐBK ở sinh viên. Từ đó việc đề ra chiến lược can thiệp giúp cân bằng thể chất trên sinh viên nữ ĐBK có vai trò đặc biệt quan trọng giúp cải thiện biểu hiện bệnh, nâng cao sức khỏe cho sinh viên.

KẾT LUẬN

Đau bụng kinh là vấn đề phụ khoa phổ biến ở nữ sinh viên khoa YHCT với tỷ lệ hiện mắc là 77,4%.

Các dạng thể chất Khí trệ, Đàm thấp, Thấp nhiệt và Âm hư có liên quan đến ĐBK trên sinh viên nữ ngành YHCT.

LỜI CẢM ƠN

Nhóm nghiên cứu xin gửi lời cảm ơn đến Khoa YHCT Đại học Y Dược TPHCM đã tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành nghiên cứu.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

ĐBK: Đau bụng kinh

TPHCM: Thành phố Hồ Chí Minh

YHCT: Y học cổ truyền

YHHĐ: Y học hiện đại

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả cam kết rằng không có xung đột lợi ích khi thực hiện nghiên cứu này.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Bùi Ngọc Minh Châu lên ý tưởng; thiết kế nghiên cứu; thu thập, xử lý và phân tích số liệu; viết, chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo.

Tác giả Lê Thanh Hằng hướng dẫn bàn luận kết quả nghiên cứu.

Tác giả Phạm Đức Thắng hướng dẫn thiết kế và giám sát thu thập số liệu; tổng hợp tài liệu; viết bản thảo.

ĐẠO ĐỨC TRONG NGHIÊN CỨU

Các thông tin cá nhân về người tham gia được đảm bảo giữ bí mật, việc quản lý và phân tích số liệu được tiến hành một cách khoa học và chính xác. Nghiên cứu được thông qua bởi Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Đại học Y Dược TPHCM theo Quyết định số 10/HĐĐĐ-ĐHYD ngày 05/01/2023.

References

  1. Harlow SD, Campbell OM. Epidemiology of menstrual disorders in developing countries: a systematic review. BJOG. 2004;111(1):6-16; PMID: 14687045. . ;:. Google Scholar
  2. Nasir L, Bope ET. Management of pelvic pain from dysmenorrhea or endometriosis. Journal of the American Board of Family Practice. 2004;17(Suppl):S43-7. . ;:. Google Scholar
  3. Smith CA, Armour M, Zhu X, Li X, Lu ZY, Song J. Acupuncture for dysmenorrhoea. Cochrane Database of Systematic Reviews. 2016;4(4):CD007854. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Thị Bay, Nguyễn Thị Như Thủy. Bệnh học và Điều trị Sản Phụ khoa kết hợp Y học hiện đại và Y học Cổ truyền. Nhà xuất bản Y học, 2022:57-73. . ;:. Google Scholar
  5. Vương Kỳ. Phân loại 9 loại thể tạng cơ bản của TCM và cơ sở chẩn đoán của chúng. Đại học Trung Y Dược Bắc Kinh. 2005; 28(04):1-8. . ;:. Google Scholar
  6. Nguyễn Thị Kim Chi, Phạm Long Thủy Tú, Lê Thị Lan Hương, Phạm Huy Kiến Tài. Chất lượng giấc ngủ, stress và kết quả học tập trên sinh viên khoa Y học Cổ truyền. Y học Việt Nam. 2023;526:297-307. . ;:. Google Scholar
  7. Phạm Đức Thắng, Bùi Phạm Minh Mẫn, Nguyễn Văn Đàn, Trịnh Thị Diệu Thường. Khảo sát tình trạng lo âu thi cử của sinh viên năm thứ 1 khoa Y học cổ truyền. Y học Thành phố Hồ Chí Minh. 2020;24(4):130-134. . ;:. Google Scholar
  8. Ju H, Jones M, Mishra G. The Prevalence and Risk Factors of Dysmenorrhea. Epidemiologic Reviews. 2014;36:104-113. . ;:. PubMed Google Scholar
  9. Đỗ Tuấn Đạt, Nguyễn Thị Thu Hà. Khảo sát tình trạng đau bụng kinh ở nữ sinh viên tại một số trường cao đẳng và đại học y tại Hà Nội. Y học Việt Nam. 2022;510(2):236-240. . ;:. Google Scholar
  10. Nguyen THD, Le TT, Tang KH, Le BL, Lam CT, Le THL. The Vietnamese version of the constitution in Chinese medicine questionnaire (CCMQ): validity and reliability. MedPharmRes. 2022;6(2):18-27. . ;:. Google Scholar
  11. Burnett MA, Antao V, Black A, Feldman K, Grenville A, Lea R, Lefebvre G, Pinsonneault O, Robert M. Prevalence of primary dysmenorrhea in Canada. Journal of Obstetrics and Gynaecology Canada. 2005;27(8):765-70. . ;:. Google Scholar
  12. Janampa-Apaza A, Pérez-Mori T, Benites L, et al. Physical activity and sedentary behavior in medical students at a Peruvian public university. Medwave. 2021;21(5):e8210. . ;:. Google Scholar
  13. Sun Y, Zhao Y, Xue S, Chen J. The theory development of traditional Chinese medicine constitution: a review. Journal of Traditional Chinese Medical Sciences. 2018;5(1):16-28. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 2 (2023)
Page No.: 619-623
Published: Mar 10, 2024
Section: Original research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjhs.v4i2.565

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, H., Pham, T., & Bùi, M. C. (2024). The relationship between traditional medicine constitutional types and dysmenorrhea in female students at the Faculty of Traditional Medicine at University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City. Science and Technology Development Journal: Health Sciences, 4(2), 619-623. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjhs.v4i2.565

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 752 times
PDF   = 252 times
XML   = 0 times
Total   = 252 times